Các nghi lễ ngoài nghi lễ Công giáo vùng Đồng bằng sông Hồng xưa

Các lễ nghi ngoài lễ nghi Công giáo

Cũng như nhiều tôn giáo khác trên thế giới, Công giáo không chỉ là hình thái ý thức xã hội mà còn là một thực thể xã hội, ra đời và phát triển từ xa xưa trong lịch sử và chính thức được truyền bá vào Việt Nam từ thế kỷ XVII. Trong quá trình hình thành và phát triển, Công giáo có ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống văn hóa, xã hội, tâm lý đạo đức, lối sống và phong tục tập quán của nước ta. Việc tìm hiểu các lễ nghi ngoài lễ nghi Công giáo qua hương ước, qua những lễ tiết mang đậm nét văn hóa cổ truyền của làng Việt nói chung, làng Việt vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng, sẽ thấy được nếp sống của người Công giáo Việt Nam. Nếp sống ấy được thể hiện qua nhiều chiều cạnh khác nhau của đời sống xã hội, qua những mối quan hệ của cuộc sống và qua những ứng xử của người Công giáo với văn hóa, phong tục Việt Nam. Các lễ nghi đó được diễn ra trong một năm, việc phụng tự Thiên Chúa trong đời sống hằng ngày của giáo dân là quan trọng. Bên cạnh đó còn là sự thờ tự những vị thần liên quan đến những phong tục, tín ngưỡng cổ truyền của người Việt mà người Công giáo đã cố gắng đan xen vào trong đời sống văn hóa của mình.

Về góc độ tín ngưỡng, tôn giáo thì người Việt Nam dù theo bất kỳ một tôn giáo nào nhưng trong sâu thẳm tâm linh của họ là tâm linh người Việt[1]. Bởi thế, bên cạnh những lễ nghi bắt buộc phải thực hiện theo đúng nghi thức Công giáo như Lễ Sinh nhật (Lễ Noen), Lễ Phục sinh, Lễ Đức Chúa Giêsu lên trời, Lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống (đương thời, nhiều hương ước ghi là Lễ Đức Chúa Phiritôsangtô hiện xuống). Đó là 4 ngày lễ liên quan đến Thiên Chúa Ba Ngôi được Kitô hữu gọi là Tứ Quý. Về sau, người ta đưa thêm Lễ Đức Bà Hồn xác lên trời gọi là Ngũ Quý([2]). Theo tác giả Nguyễn Thanh Xuân, người Công giáo Việt Nam xưa thực hành 6 lễ trọng trong năm : 5 ngày lễ trọng kể trên và Lễ Các Thánh, diễn ra vào ngày 1 tháng 11. Sáu lễ trọng và lễ chủ nhật hằng tuần là các “Lễ buộc” đối với tất cả tín đồ Công giáo([3]), và lễ các Thánh…, họ không bao giờ quên những lễ nghi đã ăn sâu trong tiềm thức của mình, đó là những lễ tiết, những phong tục cổ truyền mang đậm tính vùng, miền với nghề nông là chính. Có thể thấy một số các tiết lễ cổ truyền như Lễ Nguyên đán, lễ Tổ tiên, Lễ Hạ điền (còn gọi là lễ Cầu mùa), Lễ Thường tân (còn gọi là lễ Cơm mới), Lễ Tiên nhân, Lễ hội làng…, để cầu mong mùa màng bội thu, cầu cho cuộc sống bình yên.

Lễ Tết Nguyên đán – lễ đầu năm, là nghi lễ của người Việt nói chung và người Công giáo nói riêng đều phải thực hiện. Nghi lễ đón Tết Nguyên đán của Công giáo Việt Nam cũng mang những nét đặc thù trong nếp sống của người Công giáo Việt Nam. Trong một Thư chung gởi bổn đạo Địa phận Tây Đàng Ngoài (trong đó có Hà Nội) ngày 8/5/1805, Đức Giám mục Địa phận có đề cập đến ngày Tết Nguyên đán của giáo dân. Nội dung thư cho rằng, ngày tết là dịp anh em họ hàng đi thăm nhau, mừng tuổi nhau, ăn uống cùng nhau. Đấy là những phong tục tốt lành. Do vậy, với giáo dân, việc thảo kính cha mẹ tổ tiên và sinh ích cho linh hồn người là những việc làm phúc đức… Ở Địa phận Phát Diệm, xứ đạo Lưu Phương đón ba ngày tết với nội dung: mùng một cầu cho Đức Chúa Cha, mùng hai cầu cho Đức Chúa Con và Chúa Thánh thần, mùng ba cầu cho ông bà tổ tiên([4]).

Hương ước làng Công giáo vùng đồng bằng sông Hồng có đề cập đến lễ Nguyên đán như sau :

Điều 119, Hương ước làng Phú Nhai (Nam Định) quy định: Làng ta có dụ trong sổ công tiêu về các tết Nguyên đán, …. mỗi tiết là 5đ,00 để sửa lễ, huynh thứ thưởng tiết”([5]).

Hương ước ấp Thuỷ Nhai có quy định: “…làng có lệ mồng 2 tháng Giêng ta Nguyên đán khai cổ thì đã có sổ công tiêu hàng xã dự”[6].

Tại Điều thứ 112 Hương ước làng Xâm Bồ (Hải Phòng) có ghi : “Thuộc về bên giáo các tiết như sau : 3 ngày tết Nguyên đán 5đ,00…” [7].

Hương ước làng Lục Thủy (Nam Định) có chép về lễ Nguyên đán tại Điều 118 như sau : “Làng ta toàn tòng đạo Công giáo…, đầu năm ra có lệ mồng 4 khai trống, Nguyên đán,… Tiền chi các tiết ấy đều trích ở công quỹ hàng xã, đệ niên đã dự trong sổ chi thu của làng”[8].

Trong Điều thứ 76, Hương ước làng Vĩnh Trụ (Hà Nam), chép : “Lễ Nguyên đán, dùng một cái thủ lợn, 7 con gà, 6 cân xôi, 36 phẩm bánh, trưng dầu, vàng mũ, hương nến, gía 23đ,00… do những người bản đình biểu từ công quỹ mà làm”[9].

Lễ tổ tiên, lễ tiên nhân là nghi lễ cầu cho những người đã khuất có công nuôi dưỡng, sinh thành hoặc những người có công với làng xã. Tuy Lễ Tổ tiên của người Công giáo Việt Nam mới được thực hiện rộng rãi về sau này, nhưng trước đó từ lâu, người Công giáo Việt Nam đã không quên những phong tục cổ truyền, vẫn thực hiện công việc đạo hiếu của người sống với người đã khuất, và điều này cũng đã được ghi lại trong Hương ước làng Trung Lĩnh, (Nam Định), tại Điều 94: “Làng chúng tôi toàn tòng đạo Thiên Chúa trong một năm có hai kỳ làm lễ…. Lễ Kỳ hồn, cầu cho Tiên tổ và viếng mộ”[10]Lễ Tiên nhân (cầu cho những người lập làng), Hương ước làng Lưu Phương (Ninh Bình)Điều 72, quy định: “Giáo dân Thánh điện ba tòa các tiết lễ xin kê : Lễ Phục sinh, Lễ Santi, Lễ tiên nhân, Lễ Thánh sử ba họ…”[11]. Hoặc Hương ước làng Vĩnh Trị (Nam Định) quy định trong Điều 26 như sau: “Làng toàn Công giáo có một ngôi nhà thờ và 4 nhà nguyện của 4 giáp… Tại nhà thờ chính: Lễ cầu cho tiên nhân làng, 3đ,00, Lễ Thánh Quan thày, 3đ,00”([12]).

Liên quan đến những lễ nghi nông nghiệp của người dân nơi đây có lễ Hạ điền (cầu mùa màng bội thu), Lễ Thường tân (Lễ Cơm mới), PGS.TS Nguyễn Hồng Dương có đề cập trong cuốn Nghi lễ và lối sống Công giáo trong văn hóa Việt Nam: “Ngày 16-4-1872, trong một thư chung gửi Giáo phận Tây Đàng Ngoài, giám mục Bảo Lộc Phước (Puginier) lập trong địa phận phép kiệu cầu được bằng yên và được mùa. Cuối thư chung, giám mục Phước đã nêu :

1- Từ nay mà đi các xứ hằng năm phải kiệu cầu cho được bằng an và được mùa trong ngày lễ ông thánh Máccô (ngày 25/4) và ba ngày trước lễ Đức Chúa Giêsu lên Trời (sau lễ Phục sinh 40 ngày).

2- Chính phép đi kiệu này thì ra ngoài đồng.

3- Thày cả bản xứ phải truyền cho bổn đạo dọn đường đi kiệu cho được rộng rãi bằng phẳng”[13]

Với tinh thần hội nhập, văn hóa Công giáo đã lồng ghép những tục lệ của người Việt với những lễ nghi của Công giáo, trong một số hương ước làng Công giáo vùng đồng bằng sông Hồng có chép về những quy định này khá rõ. Có thể xem một vài ví dụ sau:

Hương ước làng Mỹ Đình (Thái Bình), Điều 28 viết như sau: “Hằng năm cứ đến ngày 29 Juin (tháng 6), đồng dân tề tựu tại nhà thờ xem lễ cầu nguyện cho được mùa rồi bắt đầu cấy tục gọi là hạ điền”([14]).

Hương ước làng Lục Thuỷ (Nam Định) chép tại Điều 118 : “Làng ta toàn tòng đạo Công giáo….. đầu năm ra có lệ mồng 4 khai trống, …lệ Đoan Ngọ, Thường Tân, chạp lễ.v.v… Tiền chi các tiết ấy đều trích ở công quỹ hàng xã, đệ niên đã dự trong sổ chi thu của làng”[15].

Điều 119, Hương ước làng Phú Nhai (Nam Định) cũng quy định về lễ Thường tân : “Làng ta có dụ trong sổ công tiêu về các tết lễ…..,, lễ Thường tân, Đoan ngọ, mỗi tiết là 5đ,00 để sửa lễ, huynh thứ thưởng tiết”([16]).

Hương ước ấp Thuỷ Nhai quy định :  “…làng có lệ mồng 2 tháng Giêng ta có lệ Nguyên đán khai cổ thì đã có sổ công tiêu hàng xã dự”[17].

Hài hòa trong nền văn hóa Đông – Tây, kết hợp giữa truyền thống với hiện đại đó là nét đẹp trong lễ hội làng Công giáo Việt Nam. Lễ hội làng Công giáo cũng mang những đặc điểm chung của các lễ hội tôn giáo khác, đó là sinh hoạt mang tính cộng đồng. Lễ hội Công giáo cũng có tất cả những yếu tố lễ, hội, tín ngưỡng, phong tục, các thành tố khác như nghệ thuật hay vật phẩm dâng cúng. Tuy nhiên, lễ hội Công giáo không có các trò chơi ồn ào, không có những tệ nạn xã hội, không kéo dài. Khi nghiên cứu qua các văn bản hương ước làng Công giáo, dễ thấy lễ hội Công giáo có những đặc điểm riêng không lẫn với các lễ hội ở làng Việt nói chung.

(còn nữa)

TS. Nguyễn Thị Quế Hương

1  Nguyễn Hồng Dương. Hệ quả quá trình tiếp xúc giữa Công giáo với tín ngưỡng bản địa của người Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tạp chí NC Tôn giáo, số 5, năm 2009, tr 19.

2  Nguyễn Hồng Dương. Đời sống đạo của tín đồ Công giáo qua văn bia và hương ước vùng đồng bằng Bắc Bộ đến cuối nửa Thế kỉ XX,  tr 45-69. trong: Hội đồng Giám mục Việt Nam. Sống đạo theo cung cách Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 46-48.

3  Nguyễn Thanh Xuân. Một số tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Tôn giáo. Hà Nội 2007, tr 178.

4  Nguyễn Hồng Dương. Nghi lễ và lối sống Công giáo trong văn hóa Việt Nam. Nxb KHXH, Hà Nội, 2001, tr. 198.

5  Hương ước làng Phú Nhai, Xuân Trường, Nam Định. Kí hiệu số HU 4232.

6  Hương ước ấp Thuỷ Nhai, Giao Thuỷ, Nam Định. Kí hiệu số HU 2012.

7   Hương ước làng Xâm Bồ, Hải An, Hải Phòng, Kí hiệu HU 4016.

Hương ước làng Lục Thuỷ, Xuân Trường, Nam Định. Kí hiệu HU 4256.

9  Hương ước làng Vĩnh Trụ, Lí Nhân, Hà Nam. Kí hiệu số HU 782.

10  Hương ước làng Trung Linh, Xuân Trường, Nam Định. Kí hiệu HU 4122.

11  Hương ước làng Lưu Phương, Kim Sơn, Ninh Bình. Kí hiệu số HU 4623.

12  Hương ước làng Vĩnh Trị, Nghĩa Hưng, Nam Định. Kí hiệu số HU 3528.

13  Nguyễn Hồng Dương. Nghi lễ….Sđd, tr 194.

14  Hương ước làng Mỹ Đình, Duyên Hà, Thái Bình. Kí hiệu số HU 2879.

15  Hương ước làng Lục Thuỷ,… đd.

16  Hương ước làng Phú Nhai, Xuân Trường, Nam Định. Kí hiệu số HU 4232.

17  Hương ước ấp Thuỷ Nhai, Giao Thuỷ, Nam Định. Kí hiệu số HU 2012.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *