Các cơ sở tôn giáo ở Lục Thủy ngày trước

Vì không đủ tài liệu khảo sát, nên ở đây chúng tôi không thể trình bày những đền chùa ở Lục Thủy từ hồi thế kỷ XVII trở về trước, mà chỉ có thể nghiên cứu những cơ sở tôn giáo từ khi đạo Thiên Chúa đến Việt Nam trở về sau.

Là một trong những làng toàn tòng Công Giáo sớm nhất ở Việt Nam, lại ở vào vị trí tương đối khá thuận tiện trong sự giao thông ở địa phận Đông Kỳ ngày trước, nên Lục Thủy ta đã trở thành một xứ đạo lòng cốt và bao gồm toàn thể khu vực rộng lớn ở tây bắc huyện Giao Thủy thuộc Sơn Nam. Vì thế, ngay trong giai đoạn truyền giáo đầu tiên ở Bắc Hà, các vị thừa sai đã thiết lập những cơ sở tôn giáo tại làng nhà.

Nhưng hơn một thế kỷ nay, Lục Thủy chỉ là một xứ đạo đơn thuần, không còn những cơ sở truyền giáo trực thuộc các dòng như trước kia nữa.

Sau đây chúng ta căn cứ vào sử liệu cũng như những lời truyền ngôn để khảo sát một số những cơ sở tôn giáo đó.

* * *

  1. Nhà Đức Chúa Trời Lục Thủy

Xưa nay, chúng ta đều quen dùng danh từ Nhà Đức Chúa Trời hay hai chữ Nhà Chung để chỉ tất cả những cơ sở trong Giáo Hội Công Giáo, như trường đạo, nhà Dòng, nhà xứ, chủng viện … Nhưng cố chính Trinh, tác giả quyển “Sử ký địa phận Trung Ký” đã định nghĩa như sau: “Nhà Chung hay Nhà Đức Chúa Trời là một tu hội được tổ chức tương tự như một tu viện, và do một linh mục làm Bề trên điều khiển. Nhà Đức Chúa Trời gồm thầy giảng, sống độc thân và được huấn luyện để giúp các cha xứ trong công cuộc truyền giáo và coi sóc bổn đạo, như dạy kinh trẻ em, dọn đồ lễ bàn thờ, nguyện ngắm kinh sách trong nhà thờ, quản lý tài sản của nhà xứ … Ngoài  ra, trong Nhà Đức Chúa Trời còn có các cậu giúp lễ để sửa soạn vào tiểu chủng viện, và các bõ ngãi làm việc tay chân như gác cổng, đánh chuông, dọn dẹp quét tước nhà cửa hoặc làm bếp hay làm vườn …”. Như vậy Nhà Chung hay Nhà Đức Chúa Trời là một cơ sở riêng biệt, không bao gồm tất cả các cơ sở tôn giáo như ta thường quan niệm.

Riêng về Nhà Đức Chúa Trời ở Lục Thủy, chúng ta không đủ tài liệu để biết được thành lập từ năm nào và do vị thừa sai nào khai sáng. Nhưng sử liệu cho biết, đến hồi đầu thế kỷ XVIII, Nhà Đức Chúa Trời ở ta đẫ trở thành một cơ sở vững chắc trong công cuộc truyền giáo thuộc địa phận Đông Ký, và đã đào tạo được nhiều nhà truyền giáo tên tuổi người bản quốc chính Á thánh Vinh-sơn Liêm, một linh mục tử đạo thuộc Dòng Đa-minh, rất nổi tiếng tại Phi-luật-tân, hồi còn nhỏ cũng đã được huấn luyện trong Nhà Chung này. Các sử gia cho biết: “Lúc lên 12 tuổi (1743), cậu Vinh-sơn Liêm đã được nhận vào Nhà Đức Chúa Trời ở Lục Thủy, và cậu đã học tập tại đây trong 6 năm liền. Sau đó được cử sang du học tại Manila bên Phi-luật-tân rồi chịu chức linh mục ở đó. Khi hồi hương, được cử làm giáo sư tại trường thần học Trung Linh trong thời gian ngắn, rồi trở về coi xứ Lục Thủy ít lâu”.

* * *

Ngày nay chúng ta không còn di tích gì để có thể xác định vị trí Nhà Đức Chúa Trời ngày trước đã tọa lạc nơi nào trong làng. Nhưng dựa theo truyền ngôn, thì xưa kia tất cả các cơ sở tôn giáo đều tọa lạc ở phía may làng, nghĩa là phía bắc con đường chạy từ điếm sang đến khu “miễu”. Như vậy, Nhà Đức Chúa Trời cũng ở vào khoảng đất nào đó trong khu vực này, và có thể ngay phía đông “Nhà Mụ” cũng nên.

* * *

Nhà Đức Chúa Trời Lục Thủy dời đi nơi khác hay giải tán hoặc bị triệt hạ từ hồi nào?

Vấn đề này không thể xác định một cách rõ rệt được. Trong các sắc dụ cấm đạo ban hành ngày 11 tháng 11 niên hiệu Minh Mệnh thứ 12 (tức 6-1-1833), và mồng sáu Tết Nguyên Đán niên hiệu Minh Mệnh thứ 16, nhà vua đã ra lệnh phải triệt hạ tất cả các đạo đường, đạo quán trong nước. Ngoài ra, hồi tháng 5 năm 1838, tổng đốc Nam Định Trịnh Quang Khanh đã phái nhiều quân lính về lục soát miền Giao Thủy để bắt cho kỳ được Đức cha Delgado và Henares cùng các đạo trưởng trong tỉnh. Nhân dịp này, nhà chung Lục Thủy và Ninh Cường cùng nhiều nhà thờ nhà xứ phải tự rỡ xuống để tránh sự hủy diệt của quan quân. Theo sử gia A. Guglielmoti, thì từ ngày vua Minh Mệnh ban hành sắc dụ cấm đạo lần đầu tiên (6-1-1833) đến hồi đầu năm 1839, riêng địa phận Đông Ký có tới hơn một nghìn nhà thờ bị triệt hạ, nhiều nhà dòng, Nhà Đức Chúa Trời phải giải tán, khiến các thầy, các chú phải tản mát mỗi người một nơi.

Như vậy, tuy không biết được đích xác, nhưng căn cứ vào các sử liệu dẫn trên, chúng ta có thể kết luận là Nhà Đức Chúa Trời ở Lục Thủy hoặc đã tự giải tán, hoặc đã bị quan quân triệt hạ trong thời Minh Mệnh cấm đạo.

* * *

  1. Nhà Mụ Lục Thủy

Công Đồng Bắc Kỳ lần thứ nhất khai mạc tại Nam Định ngày 14 tháng 02 năm 1670 do Đức cha Lambert de la Motte chủ tọa. Công Đồng này đã đạt được nhiều quyết nghị liên quan tới việc truyền giáo tại Bắc Hà. Ngoài ra, ngày 26 tháng 02 năm 1670, Đức cha de la Motte cò sắc lệnh để tổ chức dòng nữ tu Mến Thánh Giá tại Việt Nam. Dòng này chú trọng vào việc suy ngẫm sự thương khó Chúa Giê-su trên thánh giá vì thế còn gọi là dòng Câu Rút, nhưng giáo hữu Lục Thủy ta quen gọi nôm na là “Nhà Mụ”.

Sau đó, ba nhà dòng Mến Thánh Giá đầu tiên đã được thiết lập ở Việt Nam, đó là nhà dòng Lục Thủy, Kiên Lao và Bùi Chu.

Tới năm 1679, Tòa Thánh chia địa phận Đàng Ngoài ra làm hai, và cố chính Deydier được cử làm Đại diện Tông Tòa, ngài đã được gia đình giúp đỡ tiền của rất nhiều để mở mang ba nhà nữ tu này.

* * *

Ngày nay, chúng ta không còn tài liệu nào để có thể biết được cách kiến trúc và phối trí trong khu vực Nhà Mụ Lục Thủy ngày trước, cũng như không biết nhân số ban đầu trong tu viện này và sự tăng giảm ra sao. Nhưng cứ lời truyền lại, chúng ta cũng có thể xác định được vị trí Nhà Mụ một cách khái quát. Thực vậy, trên khu đất phía tây bắc thổ cư trong làng, từ trước đến nay đều quen gọi là “Thổ Mụ”, vậy hẳn Nhà Mụ đã tọa lạc tại đó. Thổ Mụ này bao gồm một diện tích khá rộng, mặt nam là “tai rồng”, phía đông giáp thổ cư nhà xứ và tư gia ông Phạm Kiêm (tức Thầm), phía bắc và phía tây giáp sông đào ở đầu làng.

Xưa kia, Thổ Mụ là vùng đất cao nhất trong làng, trên đó có những gò đống ngổn ngang. Nhưng sau nhiều lần đào đất nơi đó để đắp đường và đổ nền nhà thờ … nên mới thấp xuống thành ruộng như ngày nay. Dầu vậy, dân làng vẫn quen gọi khu vực đó là Thổ Mụ.

* * *

Nhà Mụ Lục Thủy đã bị giải tán hay dời khỏi làng nhà từ bao giờ?

Tương truyền trong hồi nhà Nguyễn cấm đạo, Nhà Mụ này đã dời xuống làng Quần Cống (tức là Thiên Thiện) cùng huyện Giao Thủy, nhưng không một ai biết rõ từ năm nào.

Lịch sử cho biết, hồi tháng 5 năm 1838, tổng đốc Nam Định Trịnh Quang Khanh đã bắt đạo thật dữ dội, khiến nhiều nữ tu viện trong vùng đã phải tự dỡ xuống để khỏi bị tàn phá, và các chị em nữ tu phải trở về sống với gia đình cha mẹ. Từ ngày mồng 06 tháng Giêng năm 1833, là ngày vua Minh Mệnh ban hành sắc dụ cấm đạo lần đầu tiên, đến đầu năm 1839, trong tỉnh Nam Định có đến 22 nữ tu viện Dòng Đa-minh, 3 nữ tu viện Dòng Mến Thánh Giá, hoặc đã bị triệt hạ hoặc phải giải tán.

Căn cứ vào những dữ kiện lịch sử nêu trên, chúng tôi suy luận có thể Nhà Mụ Mến Thánh Giá Lục Thủy đã tản đi nơi khác trong hồi vua Minh Mệnh cấm đạo này.

Trong một tài liệu in ronéo nhan đề “Liên chi gia phả làng Thiên Thiện 1482-1960” nơi trang 56 có ghi: “Làng ta có một nữ tu viện dòng ba thánh phụ Đa-minh. Các bà trước đây ở xứ Lục Thủy thượng, sau về xứ Liên Thủy. Năm 1861, các bà phải bỏ mà lên Kẻ Rèm (?) thuộc xứ Kẻ Riền (?). Năm 1863, cha chính Hòa quốc tịch Ý-đại-lợi lập dòng này ở làng ta mà đem các bà về đây, tục gọi là Nhà Mụ Quần Cống”.

Rất tiếc tác giả tập tài liệu trên đã không cho biết năm nào và tại sao Nhà Mụ ở Lục Thủy thượng lại dời xuống Liên Thủy (tức Lục Thủy hạ), cũng như không biết đã dựa vào vào sử liệu nào để xác định được niên đại 1861 là năm Nhà Nụ này bỏ Liên Thủy mà lên Kẻ Rèm (?). Tất cả những tài liệu mà chúng tôi đã dùng để tham khảo đều không hé mở cho ta thấy Nhà Mụ đã dời Lục Thủy từ năm nào. Tuy nhiên, căn cứ vào một số những dữ liệu lịch sử xa gần liên quan đến thời kỳ cấm đạo, chúng tôi phỏng định rằng vào hồi trung tuần thế kỷ XIX, chính trong lúc đạo Công Giáo bị bách hại dữ dội nhất, thì Nhà Mụ ở ta đã phải giải tán đi nơi khác, và chưa chắc đã về Liên Thủy như tác giả tập gia phả kia đã viết.

Lịch sử cho biết, trong khoảng từ tháng 9 năm 1855 đến năm 1860, vua Tự Đức đã ban nhiều đạo dụ liên tiếp nhằm tiêu diệt đạo Công Giáo đến tận gốc rễ. Sắc dụ năm 1857 đã nói rõ: “Đối với bọn Công Giáo bất khẳng, ta sẽ cố gắng cho chúng thêm thời hạn hối cải trong vòng một năm nữa. Sau đó, những đứa bất tuân kỷ luật, nếu là đàn ông, sẽ trừng trị thật nghiêm khắc; nếu là đàn bà, sẽ bắt chúng làm tôi tớ trong nhà các quan”.

* * *

Ngày nay nhiều người thường truyền tụng rằng, chính vì đánh sẩy mất mấy con chim cu, mà vị hương trưởng làng Lục Thủy đã buộc Nhà Mụ phải dọn đi khỏi làng. Cũng có dư luận rằng, dân Lục Thủy không tin tưởng vào các vị nữ tu, nên thường bài xích khích bác Nhà Mụ này, và chỉ tìm cơ hội là trục xuất đi khỏi làng.

Nhưng theo sự suy luận riêng của chúng tôi, thì nguyên nhân khiến Nhà Mụ đổi chỗ, không phải do sự chống đối của dân làng, cũng như không phải ở câu chuyện đánh chim cụ hương trưởng, mà chính tại tình thế bất đắc dĩ, không thể lưu ngụ lại Lục Thủy trong cơn cấm đạo quá ngặt nghèo. Viết đến đay, chúng tôi không phải dụng ý xuyên tạc lịch sử nhằm bào chữa cho các tiền nhân, mà chỉ mong cùng mọi người nhận định quá khứ với tinh thần vô tư ngay thẳng.

Nhìn vào lịch sử Công Giáo Việt Nam, ta thấy đời Tự Đức (1848-1883) đạo Công Giáo đã bị đàn áp và tổn hại hơn tất cả các triều đại trước. Thật vậy, qua những chiếu chỉ ban bố vào những năm 1851, 1855, 1857, 1859, và nhất là năm 1860, nhà vua đã tìm mọi biện pháp để triệt hạ đạo Công Giáo. Trong suốt thời gian đó, chẳng những đàn ông có đạo phải tàn sát khổ nhục, mà ngay cả các trẻ em và phụ nữ cũng bị giết hại rất nhiều. Riêng đối với các nữ tu, nhà vua cũng đặc biệt lưu ý. Đạo dụ cấm đạo năm 1860 đã khuyến cáo các quan quân phải cố gắng truy tầm và giải tán các nhà tu nữ. Trong chiếu chỉ này có đoạn:

“Dân Công Giáo là bọn côn đồ, ngoan cố; không thể nào tìm cách đưa chúng về con đường ngay thẳng được. Chúng dùng cả đến những bọn đàn bà con gái xấu nết mà chúng gọi là trinh nữ, những bà mụ để dấu diếm các đồ thờ cũng như trong việc đưa thư từ tin tức từ nơi này qua nơi khác. Vậy trẫm ra lệnh cấm chỉ đàn ông, đàn bà và con nít có đạo không được ra khỏi làng mình. Các quan phủ huyện từ nay không được phép cấp giấy thông hành cho người có đạo để đi từ tỉnh này sang tỉnh khác như trước, mà bắt chúng phải ở tại làng để tiện việc kiểm soát và dẫn dụ chúng về đường ngay nẻo chính. Riêng đối với bọn đàn bà con gái tu hành bên đạo lại càng phải cẩn thận ngăn cấm không cho chúng liên lạc từ làng này sang làng nọ, nếu bắt gặp thì các quan cứ việc thi hành hình phạt đúng như các điều đã quy định trong sắc dụ đã được ban bố trước đây ở Hà Nội và Phú Yên”.

Như vậy trong giai đoạn khó khăn này, các dòng nữ tu hoặc phải tản mát di chuyển đi một nơi nào khác để tránh sự nhòm ngó của quan quân, nếu không cũng bắt buộc phải giải tán và các nữ tu phải trở về sống cùng với gia đình. Nhất là đối với Lục Thủy là một làng toàn tòng Công Giáo từ lâu, nếu Nhà Mụ không đi sớm di tản đi một nơi khác, thì cũng khó thoát khỏi sự tàn phá. Hơn nữa, dưới quyền sinh sát của quan tổng đốc Nam Định thời đó là Nguyễn Đình Hưng, một kẻ đã áp dụng mọi cách để tận diệt đạo Công Giáo, thì dù có sự che chở của các quan phủ huyện, Nhà Mụ Lục Thủy nếu không vội dời đi, thì sớm muộn gì cũng bị quan quân tới giải tán và bắt bớ khổ cực.

Lịch sử cho biết, chỉ trong vòng 4 năm trời, từ 1858-1862, có tới 50 nữ tu viện phải phá hủy, 2000 nữ tu phải tản mát, và khoảng 100 nữ tu khác đã phải hy sinh mạng sống vì đức tin.

Tóm lại, trong gần haithế kỷ liền, ở Lục Thủy ta đã có trụ sở của một dòng tu nữ, tới hồi trung tuần thế kỷ XIX, đã phải di chuyển đi nơi khác để khỏi bị tiêu diệt. Còn việc dân làng có công kích hay không, cũng như câu chuyện đánh chim cu, vẫn thường được truyền tụng, chúng ta chỉ nên xem đó là một giai thoại đầy lý thú mà tiền nhân đã lưu lại cho đến ngày nay.

  1. Tòa Giám Mục Lục Thủy

Năm 1702, sau khi thụ phong Giám mục tại Kẻ Sặt, Đức cha Raimundo Lezoli Cao (1702-1706) đã định sở Tòa Giám mục địa phận Đông Ký tại làng Lục Thủy ta. Tiếp đến hai đời Đức cha Tomas Sextri Tri (1727-1737) và Đức cha Hilario de Jesus Hy (1737-1757), Lục thủy vẫn giữ địa vị đầu não của địa phận này. Dến năm 1763, Đức cha Santiago Hernandez Tuấn mới dời Tòa Giám Mục về làng Bùi Chu như hiện nay.

Ngày nay, không một sử liệu nào ghi chép về Tòa Giám Mục Lục Thủy thời đó. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể phỏng chừng Tòa Giám Mục hồi tiền bán thế kỷ XVIII này đã tọa lạc ở khu đất phía may làng, và cũng chỉ là căn nhà đơn sơ giản dị để cho các Đức cha và các nhà truyền giáo trú ngụ tạm thời.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *