Miền Bắc đất tổ làng quê 

Lục Thủy – Miền Bắc đất tổ làng quê 
Thủa xưa, di cư vào Nam rồi ông tôi vẫn thường mơ ước được trở về làng Lục Thủy chết trên đất Bắc, nơi đó, tôi chỉ được thấy qua tấm hình ngôi nhà thờ làng do cha tôi chụp và mang được từ Bắc vào Nam. Trong khi đó, họ hàng hay kể lại rằng thịt ở miền Bắc ngon, rau cải ngọt, bánh gai, bánh cốm, bánh đậu xanh thơm ngon và nhiều thứ khác ở ngoài đó đều có phần hơn khi họ làm hay trồng cấy trong Nam. Tuy cảm biết tình lưu luyến quê cha của họ, tôi lại cho rằng trong hoàn cảnh hiếm hoi đất Bắc, so với cuộc sống thoải mái đầy đủ hơn trong Nam, các thứ ấy thơm ngon hơn trong ký ức họ là sự việc bình thường. Lớn lên trong Nam, tôi đã được nuôi bằng lúa gạo miền Nam, mạch nước Ðồng Nai, văn hóa Cửu Long và nói ngon lành cả hai giọng Nam lẫn Bắc. “Chèng ơi! Tui phái bánh tét hơn bánh chưng, mắm ruốc hơn mắm tôm, canh chua cá kho tộ hơn thịt heo rau muống luộc”. Tôi hoàn toàn thoải mái gọi cha mẹ mình bằng cả hai cách, bố mẹ lẫn ba má hồn nhiên và dễ dàng. Ông nội tôi, cho tới lúc chết, vẫn lưu luyến miền Bắc với mồ mả tổ tiên như mang nặng một trách nhiệm chưa tròn. Tôi tha thiết với miền Nam hiền hòa đã cưu mang tuổi thơ và gia đình mình và mê những màn cải lương mà tôi cho là nghệ thuật bình dân tuyệt vời của dân tộc.

Lớn lên trong thời chiến, tôi đã nhiều lần phải trốn dưới gầm giường để tránh pháo kích vào thành phố, cách khủng bố này chỉ gây kinh hoàng cho dân vô tội và thiệt hại cho dân chúng là nhiều. Trong suốt quá khứ đó, tôi vẫn hình dung về miền Bắc dù là nơi chôn nhau cắt rốn là một nơi có những con người sắt máu, háo chiến, tham vọng và hung tợn. Xét theo lời kể, dân lành ở những làng quê như làng của ông cha tôi, cả đời vốn không mấy ai bước ra khỏi lũy tre xanh, vậy mà năm 1954 vì khao khát tự do, họ đã phải đồng loạt cắn răng bỏ lại tổ tiên, hy sinh toàn thể cơ ngơi mang con cái di cư vào Nam, dù họ không hề biết vào miền Nam rồi sẽ sinh sống ra sao. Ở miền Nam, đoàn người di cư này đã thực sự được sống trong không khí tự do họ đã liều lĩnh đi tìm. Tuy lúc hội nhập họ đã phải khắc phục ít nhiều kỳ thị và thành kiến có từ cả hai bên, nhưng nói chung, sự chấp nhận, dung dưỡng và che chở của miền Nam dành cho họ đáng xem là quá tốt đẹp và đáng nói ra bằng hai tiếng biết ơn. Ðiều éo le chính là miền Bắc vẫn theo đuổi vào Nam gieo rắc kinh hoàng: khủng bố, thủ tiêu, ném lựu đạn, pháo kích, đặt mìn để … giải phóng miền Nam bằng lời nguyện “sinh Bắc tử Nam” rất quả quyết và thật khó hiểu. Vì thế, từ thủa nhỏ cho đến gần đây, tôi đã không hề cảm thấy ham muốn, thúc đẩy nào tò mò về miền Bắc. Tôi đã chôn vùi quê cha ấy vào một vùng của trí nhớ dành cho những việc không đáng quan tâm trong đầu mình.

Nhưng khi cha mẹ tôi sang đây đoàn tụ mang theo gia phả dòng họ giao cho tôi, tôi đọc trong bài trướng văn lúc ông nội tôi mất có đoạn nói về cuộc di cư bất đắc dĩ và niềm khắc khoải cả đời ông nội tôi như sau: Ðương thủa đất bằng sóng vỗ, lúc phong ai đành lữ sấn cồn Nam

Những mong lửa tắt khói im, hồn tinh vệ sẽ hồi hương đất Bắc Theo lời các em tôi kể vào những này cuối cùng trong đời, đã nằm xuống không còn nhớ tên các cháu tưởng là người lạ, ông tôi thường kêu xin:
– Các ông các bà ơi, dắt tôi về làng Lục Thủy với.

Sự quyến luyến miền Bắc của người ông mãnh liệt như thế khiến tôi tò mò tìm lại tấm hình nhà thờ làng, đọc lại gia phả và cội nguồn gia tộc đã khiến ý nghĩ về tìm gặp người làng quê Bắc, thăm mồ mả gia tiên nhen nhúm với tôi. Vâng, tôi sẽ về làng thăm ngôi nhà thờ, mà theo gia phả do chính cụ tổ, đã ăn chay cầu nguyện mấy tháng, để tự tay mình khắc ra các pho tượng thánh góp công xây lên ngôi nhà thờ ấy. Tôi bỗng thấy cần về thăm nơi mẹ tôi đã mang nặng đẻ đau và nhìn thấy mái nhà tôi đã sinh ra. Sự thờ ơ với đất Bắc cho tới nay có thể là điều thiếu sót với chính mình. Rất có thể lắm! Vì nếu không thực hiện việc này, không ai cả mà chính tôi đã tự mình tước đi của mình mối tình tự linh thiêng với làng quê mình. Từ ý nghĩ đó, việc trở về miền Bắc bỗng trở thành hấp dẫn, tôi không còn lấn cấn nữa và thực sự muốn tìm về đất tổ làng quê. Sau cùng, hai vợ chồng tôi cùng trở về Bắc để về làng Lục Thủy tìm xem đất tổ ít nhất một lần trong đời như một sứ mạng thiêng liêng cần phải làm.

Với tấm bản đồ ngôi làng xưa do cha tôi đã vẽ lại bằng ký ức của ông từ năm 1967, chúng tôi thuê xe riêng tìm lối về Nam Ðịnh, hoàn toàn không biết trước sẽ tìm ra được ngôi làng này không, vì tên làng đã thay đổi lâu rồi không ai biết là đâu nữa. Bản đồ mua được tại Hà Nội chỉ ra đến ngoại ô Hà Nội là hết. 5 giờ sáng trời còn tối và lạnh, xe đón chúng tôi rời Hà Nội. Vừa ra khỏi ngoại ô tôi đã chứng kiến cảnh đoàn xe bị xe công an chận, họ chiếu đèn sáng chói thâu tiền trong đêm; nhưng xe “tư nhân” chúng tôi đi lại được họ cho đi không phải đóng góp. Người tài xế tỏ ra bực tức trước cảnh mãi lộ công khai giữa thời kỳ đổi mới. Sau bốn tiếng đi qua những quãng đường liên tỉnh, hai bên là những sinh hoạt nhộn nhịp buổi sớm mai. Theo sự phân chia, các xe thô sơ (xe bò, xe đạp) đi vào lằn ngoài nhất và xe tự động (có máy) đi lằn giữa. Ghé vào phố Nam Ðịnh, chúng tôi mua một xâu bánh gai (10 cái) mới luộc xong còn nóng hổi ăn sáng. Ðúng thế! Chúng tôi [nhất là nhà tôi, ăn quà vốn đã trở thành một nghệ thuật sống, và phố Bolsa đã là căn cứ địa của những người sành điệu vãng lai] mà cũng phải cho rằng không đâu có bánh gai ngon được như ở đây thật. Rời khỏi Nam Ðịnh, từ đây chúng tôi bắt đầu ngừng tại các làng hỏi thăm đường đến ngôi nhà thờ có hai cột tháp nhưng chẳng ai biết. Vào những tiệm bán gỗ hỏi xem họ có biết nhà thờ nào giống trong hình không cũng không ai nhận ra. Sau cùng, người tài xế đành liều đi thêm nửa tiếng nữa về hướng làng Hành Thiện, tiếp tục hỏi thì gặp được một em bé nhận ra được kiến trúc hai tháp chuông trong hình vì nó hay đến đó chơi và đã vui vẻ chỉ đường cho chúng tôi. Thực là đúng câu: Ði hỏi già (cha tôi) về nhà hỏi trẻ (chú bé này).

Trời còn tờ mờ, xe phải vượt qua sông, có một số công an đứng quanh chân cầu canh gác trong lễ phục nổi bật hẳn với dân làng. Người tài xế tỏ vẻ ngần ngại, không hiểu vì lý do giấy tờ hay thủ tục gì đó, nhưng thì thấy họ vẫy tay cho đi qua. Từ đó, xe theo bờ đê mà đi. Mặt trời đang mờ mờ hiện sáng, không bao lâu thì có vài nóc nhà thờ rải rác nổi lên trên chân trời xa xa; vài nhà thờ đầu chỉ có một cột tháp nên không phải; tiếp tục đi nữa thì bỗng hình ảnh ngôi nhà thờ trong tấm hình ấy ló dạng ra khỏi màn sương như chào người xa đang nôn nao trở về.

Ðúng là đấy rồi! Tôi bắt đầu thấy rung động trước ngôi làng mình đi tìm và sắp đến hiện ra trước mắt. Chúng tôi đậu xe ngoài đầu làng và đi thả bộ vào theo con đường đất rất sạch sẽ và gọn gàng. Nhà tôi nhớ lời cha tôi dặn nên rủ tôi tìm ngay vào dãy nhà cánh trái nhà thờ hỏi thăm, ở đó gặp một chị trong nhà nên hỏi ngay:
– Thưa chị, đây có phải nhà bà Thuộc không?
– Dạ phải. Không chần chờ thêm, cô ta quay ngay ra sân gọi lớn trong niềm xúc động:
– Mẹ ơi, có khách đến tìm.

Một người đàn bà từ ngoài đi rất nhanh về nói rất lớn trong kinh ngạc:
– Tôi là bà Thuộc đây.

Cô tôi vào nhà thay áo rồi mới ra tiếp chuyện với chúng tôi. Cô tôi là con gái cụ đồ và cụ cố, phong cách của bà cô làm tôi nhớ lại nề nếp của người xưa mà tôi đã thấy vẫn giữ đúng như thế khi tiếp khách tại các làng di cư trong Nam. Ngôi nhà cô đang ở đây, chính là nhà của ông nội tôi thủa trước nay vẫn còn nguyên. Cô tôi giới thiệu: đây là nhà ông Ký, nhà ông Xã, nhà ông Cố như họ còn sống dù đã 50 năm về trước. Căn phòng cô nằm, chính là gian nhà của cha tôi ở, là nơi tôi đã sinh ra. Tôi bối rối bước quanh nhà như cố tìm lại hình ảnh mình thủa nhỏ. Tôi thở một hơi dài vào người, làn không khí này phải chăng đã trải qua buồng phổi lúc tôi ra đời, đã cho tôi sự sống và hình như vẫn còn quanh quẩn ở đây. Tôi thầm nghĩ những bước thềm quanh nhà chính là nơi tôi đã mon men tập đi những bước đầu đời. Bên kia là thánh đường nơi cha mẹ tôi đã chịu phép hôn phối. Xa xa kia là nghĩa địa làng, mấy đời tổ tiên nội ngoại đã an nghỉ vẫn còn nguyên cả đó. Quanh đây là những mảnh ruộng và vẫn còn các ao rau cần xanh mướt mà cha tôi cho rằng chỉ thổ ngơi làng ta mới trồng được giống rau cần rất quý này. Tự nhiên tôi giao cảm đến tâm trạng tổ tiên. Tôi chợt thấy việc dứt áo từ bỏ nơi này cất bước ra đi của ông bà và cha mẹ tôi thật không phải dễ. Ðây là một lựa chọn quyết liệt trong một hoàn cảnh bất đắc dĩ phải bằng quả cảm phi thường. Ðây là một oan khiên lịch sử trong nhiều oan khiên mà thế hệ ấy đã hứng chịu suốt thế kỷ mà chúng tôi phải mang ơn.

Chúng tôi theo chân cô tôi vào viếng nhà thờ, ngôi nhà thờ cổ này đã xây gần trọn 100 năm, đến nay vẫn còn là công trình to lớn độc nhất dân làng này đã xây dựng lên và gìn giữ được. Tôi không thấy những pho tượng cũ, hỏi ra mới biết chúng đã được cất khóa kỹ lưỡng trong ngôi nhà nguyện như những bảo vật chỉ được mang ra cầu nguyện vào những ngày lễ lớn. Chúng tôi bước quanh làng, ngắm đàn trẻ chơi trên sân trường, thầm nghĩ chú bé này có thể là hình ảnh chính con tôi đây nếu việc di cư đã không xảy ra. Chúng tôi lần ra thăm mộ địa tổ tiên, tất cả vẫn còn được giữ nguyên vị trí cũ và hầu hết bị ngập dưới mặt nước dù chưa phải vào đỉnh lũ. Chung quanh dân làng vẫn còn tát nước bằng gầu, cày bằng trâu, vẫn chân lấm tay bùn như lời kể lại cuộc sống tổ tiên cha mẹ tôi ngày trước. Tôi nhận ra mình đang đứng trước bảo tàng viện của dòng họ mình. Cả miền Bắc là một bảo tàng viện lớn và có phần bất đắc dĩ của dân tộc. Trên đường làng, tôi vất vả lê gót dày trên mặt đường để đất cát bám cộm dưới giày rơi ra nhưng không xong. Cô tôi thì thản nhiên cho đất bám đầy hai bàn chân nhăn nheo tha đi khắp nơi. Khi về đến nhà, cô tôi ra bờ ao nhúng chân xuống nước vài lần thì sạch trơn thật nhẹ nhàng không hề cảm thấy vướng bận như tôi. Rõ ràng người làng sinh ra, lớn lên và chết đi được chôn cất trong làng cùng với những hạt đất cát ấy. Niềm bình yên vĩnh hằng rất tự nhiên vì họ biết nơi an nghỉ sẽ cùng bên cạnh tổ tiên nhiều đời về trước và cùng con cháu nhiều đời về sau. Ngay cả thể xác dù sẽ tan rã đi cũng hòa tan ngay vào với ruộng đồng, nơi họ đã đổ mồ hôi nai lưng cật lực chăm sóc và yêu mến. Sự chết như thế, không còn phải là sự ra đi mà là sự trở về, sự sum họp trong những buổi hội làng vĩnh cửu bên nhau. Tôi nghe văng vẳng trong tai dư âm tiếng dân làng kêu nhau diễn ra tại nhà hát Thăng Long:
– Các ông các bà ơi!
– Ơi!
– Ăn cơm chưa?
– Chưa!

Tôi chợt nhận ra ý nghĩa thâm thúy trong tình yêu tổ quốc thể hiện mộc mạc bằng tiếng “đất nước” thực thà như cảnh làng tôi. Tiếng “đất nước” này đã là mãnh lực linh thiêng khiến tổ tiên quyết liệt giữ gìn giang sơn suốt cả chiều dài lịch sử. Họ không thể liều thân đến thế nếu chỉ giữ lấy lãnh thổ này cho một triều đại, một ngôi vua, hay một nhà nước nào cả mà cho con cháu mãi mãi đời sau. Ông cha đã gắn liền nước với nhà ngay trong hai chữ “nước nhà”, làng với nước ngay trong chữ “làng nước”. Tình yêu đất nước không còn trừu tượng hay lời nói vô nghĩa trên môi mà gần gũi và gắn bó với con người như cánh đồng ao cá.

Tôi đã được may mắn trở về đến được tận nơi nhìn tận mắt, miên man với những giao cảm cội nguồn. Và rồi cũng phải chia tay ra đi như cha mẹ tôi ngày xưa, nhưng trong lòng tôi nhẹ nhàng hơn nhiều. Một sứ mạng riêng nặng nề đã được cất đi khỏi lưng tôi. Miền Bắc từ nay được tôi trang trọng đưa vào một vùng ký ức mới dành riêng cho những kỷ niệm thật êm đềm.

“Tha hương trong buổi hoàng hôn ấy
Quê tôi Lục Thủy vấn vương lòng
Ðường làng, cột tháp, ao trong
Mộ bia trăm họ, thánh đường trăm năm”

Sức chịu đựng khó khăn của đại đa số người dân miền Bắc suốt mấy chục năm nay thật đã quá nhiều, nhưng chắc rằng họ sẽ vẫn còn phải tiếp tục lam lũ để có miếng ăn, quanh quẩn với mảnh đất bờ ao thêm nhiều năm nữa. Sự chịu đựng này có thể đã hóa thành thói quen và sự nhận chịu đã thành bản tính phó thác cho hoàn cảnh [permanent resignation]. Nếu vậy, thế hệ sau cần được nuôi dưỡng lại trong tinh thần mạo hiểm phiêu lưu, bằng nghị lực phấn đấu và quả cảm mới đền bù lại những mòn phai và lỡ vận của ông cha mình.

“Quê tôi trâu đứng hững hờ
Em tôi dưới ruộng cho bờ lúa xanh
Mẹ cha tát nước đầu ghềnh
Xin thôi khô hạn xin khoan lụt nhiều
Mấy đời vẫn chỉ bấy nhiêu
Tổ tiên con cháu vẫn ngần ấy thôi
Người thêm ruộng nhỏ thêm rồi
Ðồng chua nước mặn đất bồi kém đi
Em ơi như thế là nguy!
Mồ hôi nước mắt làm gì mai sau?
Ðừng mơ ruộng cả ao sâu
Hãy mơ đèn sách gối đầu ngẫm suy
Khuyên em lối mới mà đi
Hãy cho tim óc mình free xác hồn
Tai nghe tiếng nước thượng nguồn
Mắt nhìn cả khối đại dương chuyển mình
Chân đi đến tận thiên đình
Tay chào miệng hỏi sao mình khổ ta?”

Tác Giả: Phạm Phan Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *